Trong trường hợp phải kéo dài thời gian cho học sinh nghỉ học để phòng dịch viêm phổi do vi rút Corona gây ra, có thể điều chỉnh khung thời gian kết thúc năm học và lùi kỳ thi THPT quốc gia.
Nhiều trường đồng loạt khử trùng, làm vệ sinh lớp học trong thời gian học sinh nghỉ bởi dịch viêm phổi cấp do vi rút Corona /// Phạm Hữu
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết thông tin như thế vào chiều 5.2 tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1. Cũng theo Bộ GD-ĐT, đến nay, 63/63 địa phương đều đã cho học sinh (HS) nghỉ học để đề phòng dịch vi rút Corona lây lan.
Trong khi đó, nói về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay trong trường hợp cần thiết cũng có thể cho HS nghỉ học thêm 1 – 2 tuần để vệ sinh trường lớp, khử trùng khi quay lại học tập. Dù vậy, ông Dũng cũng lưu ý Bộ GD-ĐT cần có đủ thời gian để bù đắp chương trình.

Có thể điều chỉnh thời gian kết thúc năm học sang tháng 6

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu có kịch bản nào cho HS nghỉ học thêm trong trường hợp dịch kéo dài và như thế có ảnh hưởng kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết mỗi kỳ học đều được bố trí thời gian 1 tuần dự phòng, chưa kể có thể học bù vào thứ bảy, chủ nhật. Thêm vào đó, Bộ GD-ĐT có thể điều chỉnh khung thời gian kết thúc năm học sang tháng 6 thay vì kết thúc vào ngày 31.5 như thường lệ. “Tương tự, kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6 cũng có thể điều chỉnh. Nghỉ học nhưng vẫn đảm bảo chương trình, chất lượng đào tạo”, ông Độ nói.
vi rút Corona
Ông Độ cũng nói thêm quyết định có nghỉ học thêm hay không thì chủ tịch UBND các tỉnh, TP sẽ quyết định trên cơ sở tình hình thực tế địa phương và tham mưu của 2 sở y tế, GD-ĐT trên tinh thần “đặt mục tiêu sức khỏe là trên hết”. Đánh giá thêm về việc HS tất cả các tỉnh, thành đã nghỉ học để phòng dịch, ông Độ cho rằng “nghỉ học vừa qua có nhiều cái được”. Đó là để cách ly tạm thời tránh nguy cơ lây lan, giúp nhận thức về dịch đúng hơn cũng như để ngành giáo dục có sự phòng ngừa, chuẩn bị kỹ càng hơn như có điều kiện vệ sinh trường lớp, tăng cường trang thiết bị y tế đón HS, xây dựng kịch bản phòng chống tại trường học.

Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học bù

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn các sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học bù cho HS sau đợt tạm nghỉ học phòng dịch. Kế hoạch dạy bù căn cứ vào khung thời gian năm học theo Quyết định 2071/QĐ-BGDĐT.
Ông Thành phân tích theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, học sinh phải học đủ 35 tuần (1 buổi/ngày). Nếu theo khung thời gian năm học, lịch khai giảng từ ngày 5.9 và kết thúc muộn nhất vào 31.5 thì đã có 39 tuần. Trừ lịch nghỉ lễ tết (bao gồm cả Tết Nguyên đán) thì thời gian thực học còn tối thiểu 37 tuần.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các địa phương đều tựu trường trước ngày khai giảng nên thời gian thực học của nhiều nơi còn khá thoải mái để có thể đảm bảo đúng thời lượng chương trình và kết thúc năm học vào 31.5.
Trong trường hợp các nhà trường phải nghỉ dài, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn việc học bù, đồng thời điều chỉnh thời gian kết thúc năm học hoặc các kỳ thi quốc gia. “Chẳng hạn, kỳ thi THPT quốc gia 2020 chưa có lịch chính thức nên Bộ sẽ căn cứ vào thực tế nghỉ học để sắp xếp thời gian cho kỳ thi này”, ông Thành cho biết.