Năm học 2022-2023, nhiều trường đại học công lập nhóm ngành sức khỏe đã chính thức thông báo mức tăng học phí. Đáng chú ý, mức học phí ngành y, dược tại một số trường lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, chưa tính những chi phí khác.
Cụ thể, theo đề án tuyển sinh mà ĐH Dược Hà Nội đã công bố, thì từ năm học 2022-2023, ngành dược học áp dụng mức thu học phí là 24,5 triệu đồng/năm. Ngành hóa được áp dụng mức thu học phí là 18,5 triệu đồng/năm. Ngành công nghệ sinh học và ngành hóa học áp dụng mức thu học phí là 13,5 triệu đồng/năm.
Học phí hệ chất lượng cao tại ĐH Dược Hà Nội năm học tới cũng tăng lên 45 triệu đồng/năm. ĐH Dược Hà Nội cho biết, mức học phí của năm học có thể điều chỉnh hàng năm cho phù hợp với chi phí đào tạo thực tế nhưng đảm bảo mỗi năm không tăng quá 10% so với mức học phí năm liền trước trong 3 năm đầu và 5% cho 2 năm sau.
Ở khu vực phía Nam, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, mức thu học phí dự kiến năm học 2022-2023 với các ngành y khoa, dược học, răng hàm mặt, mức học phí cao nhất không quá 44,368 triệu đồng, học phí với các ngành điều dưỡng, dinh dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, khúc xạ nhãn khoa, y tế cộng đồng không vượt quá 41 triệu đồng. Mức học phí này chưa bao gồm 2 học phần bắt buộc là giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng – an ninh.
Theo đề án của Khoa Y – Đại học Quốc gia TP.HCM công bố thì mức thu học phí giai đoạn (2022-2026), dự kiến được triển khai tăng theo lộ trình. Học phí ngành y khoa năm 2022-2023 là 49 triệu đồng/năm, năm học 2023-2024 là 55,2 triệu đồng/năm, năm học 2024-2025 là 62,2 triệu đồng/năm và dự kiến năm 2025-2026 mức học phí ngành này sẽ lên 70 triệu đồng/năm.
Tại ĐH Quốc tế Hồng Bàng, năm 2022, học phí ngành y đa khoa, răng hàm mặt là 105 triệu đồng/kỳ học, cũng các ngành này ở chương trình tiếng Anh học phí là 125 triệu đồng/kỳ học, ngành y học cổ truyền là 45 triệu đồng/kỳ học.
“Học Y không những giỏi mà còn phải giàu”
Trên các diễn đàn dành cho sinh viên ngành y, dược nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay để theo học ngành y, người học không chỉ cần giỏi, mà còn cần “giàu”, bởi nếu không có tiềm lực kinh tế tốt thì khó lòng chịu được mức học phí cao trong suốt 5-7 năm học.
Phạm Anh Tuấn (Sóc Trăng) đặt 3 nguyện vọng xét tuyển đại học đầu tiên vào ngành Y đa khoa thuộc Khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và ĐH Quốc tế Hồng Bàng, nhưng sau khi xem mức học phí trong cả khóa học, thí sinh này không khỏi lo ngại. “Ngành Y đa khoa tại 2 trường ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đều có mức học phí gần 50 triệu đồng trong năm đầu tiên, dự kiến hàng năm mức học phí này tiếp tục tăng. Nếu chỉ tính riêng học phí, đã là một áp lực kinh tế rất lớn, chưa kể những chi phí học tập khác như học thêm tiếng Anh, mua sắm tài liệu, giáo trình, chi phí ăn ở tại thành phố. Nếu không đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải thì khoản kinh phí trên sẽ vượt quá khả năng chi trả của gia đình em”.
Bàn về vấn đề học phí đại học, trong đó có học phí các trường đào tạo khối ngành sức khỏe, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, ngành y, dược từ trước đến nay vẫn có sức hấp dẫn kỳ lạ với người học, nhưng việc nhiều trường đồng loạt tăng học phí đang loại ra khỏi ngành y những học sinh có năng lực nhưng lại không đủ khả năng kinh tế.
“Tất nhiên khi có cơ sở vật chất tốt hơn, thì chất lượng đào tạo cũng được cải thiện, song khi tăng học phí cũng cần tính đến khả năng tài chính của người học. Chúng ta khó có thể so sánh mức học phí của đại học trong nước với nước ngoài, mà cần nhìn lại thu nhập bình quân của người dân hiện nay ở mức bao nhiêu so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, nếu mải miết chạy theo các tiêu chuẩn nước ngoài, thì sẽ phải trả giá. Tôi cho rằng, mạch suy nghĩ muốn tăng chất lượng phải tăng chi phí và muốn tăng chi phí thì tăng học phí là cách tư duy chưa chuẩn. Bộ GD-ĐT cần xem xét lại với những ngành đặc thù, liên quan đến nhân lực chăm sóc sức khỏe toàn xã hội như ngành y, dược”, TS Lê Viết Khuyến nói.
Cũng theo TS Lê Viết Khuyến, một số trường đào tạo ngành y, dược đã xây dựng các bệnh viện thực hành đi kèm, đây không chỉ là nơi cho sinh viên thực hành, nghiên cứu, mà còn đem lại nguồn thu lớn cho các trường. Khoản kinh phí này hoàn toàn có thể bù đắp trở lại chi phí đào tạo, thay vì tìm cách tăng chi phí bằng tăng học phí của sinh viên.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, với các trường y, dược, để đào tạo ra sinh viên chất lượng tốt cần đầu tư rất tốn kém. Tuy nhiên, khi mức học phí tăng cao, thậm chí một số trường học phí cao hơn rất nhiều so với thu nhập bình quân của người dân hiện nay có thể khiến nhiều sinh viên khó tiếp cận với ngành học này.
“Chúng ta cần có giải pháp để tạo cơ hội cho con em theo học, trong trường hợp này, Chính phủ nên chỉ đạo bộ GD-ĐT có các giải pháp cụ thể, không áp đặt nhưng phải có quy định về mức tăng học phí với các trường công lập. Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu kỹ, tránh để tình trạng học sinh giỏi nhưng không dám theo ngành y, dược vì không có tiền học, như vậy sẽ rất lãng phí về nguồn nhân lực cho đất nước trong lĩnh vực đặc thù này”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Tất Dong, cố vấn Hội khuyến học Việt Nam cũng cho rằng học phí ngành y, dược không nên quá cao.
“Ngành y là ngành đặc biệt, phải làm sao để ngành này thu hút, tạo điều kiện cho những người có tư chất vào nghề. Với những trường đặc biệt quan trọng, nhà nước nên đầu tư, không thể phó mặc cho các trường”, GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh./.