Năm nay có 364.000 trên tổng số 1.024.063 thí sinh dự thi tốt nghiệp đã không đăng ký xét tuyển ĐH, chiếm tỷ lệ 35,5%. Tại mỗi địa phương, những số liệu này có thể khác nhau nhưng nguyên do lại tương đối giống nhau.
Có trường 62% học sinh chỉ thi tốt nghiệp, không xét ĐH
Ông Trương Minh Vương, Phó phòng Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết năm 2023 toàn tỉnh có 13.062 thí sinh (TS) thi tốt nghiệp thì có 3.387 TS không đăng ký xét tuyển ĐH, chiếm gần 26%.
Trong đó, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Mỹ đứng đầu khi tỷ lệ này lên đến 81%. Cụ thể, toàn trung tâm có 433 học sinh (HS) thì chỉ 79 em xét tuyển ĐH, còn lại 354 HS dự thi chỉ để lấy bằng tốt nghiệp vì đa số đều đã đăng ký học nghề. Tiếp đến là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Long Điền – Đất Đỏ có 417 HS thì 331 em (chiếm 79%) không xét tuyển ĐH, đa số đã vào học trường CĐ.
Trường THPT Long Hải – Phước Tỉnh có 360 HS thì 1/3 không xét ĐH. Tỷ lệ này tại Trường THPT Nguyễn Văn Cừ là 46%, THPT Trần Quang Khải 40%, THPT Hòa Hội và THPT Phước Bửu 38%, THPT Bưng Riềng 36%, THPT Nguyễn Trãi 34%, THPT Trần Hưng Đạo hơn 31%…
Tại tỉnh Tây Ninh, có 3.855 TS cũng không xét tuyển ĐH, chiếm tỷ lệ 37%. Trong đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên TP.Tây Ninh 82%, THPT Bình Thạnh 62%, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Hòa Thành 62%, THPT Trảng Bàng 53%, THPT Nguyễn Trung Trực 49%, THPT Dương Minh Châu 47%, THPT Trần Phú 42%, THPT Lê Quý Đôn 41%… Đáng chú ý, không ít trường ở trung tâm thành phố nhưng tỷ lệ không xét tuyển ĐH cũng khá cao.
Trong khi đó, toàn tỉnh Đắk Nông có 51% HS thi đậu tốt nghiệp THPT nhưng không đăng ký xét tuyển ĐH.
Còn tỉnh Bình Định tỷ lệ này là gần 30%, trong đó những trường có tỷ lệ cao phải kể đến THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (58%), THPT Nguyễn Trung Trực (57%), THPT Nguyễn Hữu Quang (56%)), THPT Nguyễn Huệ (55%), THPT Trần Quang Diệu (50%)…
Chi phí đại học cao, chọn học nghề để giảm nhẹ
Lý giải về việc trong mấy năm gần đây số lượng thí sinh không xét tuyển ĐH chiếm tỷ lệ cao, ông Trương Minh Vương thông tin: “Bên cạnh một số em đi du học thì phần lớn các em chọn học nghề. Ngay từ đầu các em đã có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, chọn đường đi phù hợp với bản thân chứ không còn tâm lý bằng mọi giá phải vào ĐH. Học nghề giúp các em giảm chi phí và có cơ hội việc làm trong thời gian ngắn nhất”.
Ông Phan Thanh Liêm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định, cũng cho rằng thu nhập của người dân thấp, học phí và chi phí học ĐH lại quá cao, chưa kể một số ngành nghề học xong khó có việc làm khiến cho TS phải cân nhắc. “Nếu có việc thì lương cũng thấp nên các em đã tính toán việc chọn con đường thiết thực nhất với bản thân, đó là học nghề để sớm ra trường đi làm, hoặc gia nhập thị trường lao động tự do ngay để kiếm tiền phụ giúp gia đình”.
Quyết định ở nhà làm nông phụ cha mẹ, hoặc xin đi làm công nhân để kiếm tiền là tình cảnh của nhiều HS tỉnh Tây Ninh do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí – Công nghệ thông tin Sở GD-ĐT Tây Ninh, cho biết: “Hiện nay chỉ một số trường ĐH công lập có học phí thấp và ổn định nhưng đa số TS khá giỏi mới vào được. Những em học lực trung bình chỉ có khả năng vào trường tư thục thì lại không kham nổi học phí”.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cũng chia sẻ những TS thuộc Trung tâm giáo dục phổ thông của trường đa số chọn học CĐ và trung cấp ở các ngành nghề như kế toán, cơ khí, điện tử… vì học phí rẻ mà điều kiện học tập cũng ổn. “Bây giờ tâm lý các em hoàn toàn khác với ngày xưa, có chọn lựa rất thông minh và phù hợp với điều kiện của bản thân chứ không bằng mọi giá phải vào ĐH. Ngay cả với TS xét tuyển ĐH mà không đậu vào ngành, trường yêu thích thì cũng sẽ chọn ngay trường CĐ có ngành đó để học, chứ không học ngành khác hoặc trường ĐH khác”, thạc sĩ Sơn nhận định.
Tại tỉnh Đắk Nông, ông Ngô Quốc Tiến, Phó phòng Giáo dục trung học – Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT, cho hay trong vài năm trở lại đây số lượng TS đậu tốt nghiệp nhưng không đăng ký xét tuyển ĐH của tỉnh ở mức 50%. “Thường các em ở vùng sâu, vùng xa tỷ lệ này cao hơn ở các vùng trung tâm và gần trung tâm, tùy theo học lực. Khoảng 2/3 trong số các em không xét ĐH sẽ đi học nghề hoặc làm công nhân. Số còn lại tham gia lao động sản xuất tại địa phương”, ông Tiến thông tin.
“Theo: thanhnien.vn/”