ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 166/GDĐT-PC V/v triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành tại các cơ quan, cơ sở giáo dục thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo
Kính gửi:
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 01 năm 2014
– Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận – huyện; – Hiệu trưởng các Trường cao đẳng, TCCN, THPT; – Giám đốc các Trung tâm GDTX; – Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc.
|
Thực hiện Kế hoạch số 7031/KH-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định số 77/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và một số biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;
Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh – sinh viên của ngành về tác hại do thuốc lá gây ra, từ đó thay đổi hành vi hút thuốc, giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá, giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch số 7031/KH-UBND như sau:
1. Xây dựng Kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành
Căn cứ Kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác PBGDPL ngành Giáo dục và Đào tạo năm 2014 và văn bản số 1644/GDĐT-PC ngày 24 tháng 5 năm 2013 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tiếp tục triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” tại các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố, thủ trưởng các đơn vị chủ động xây dựng Kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành tại cơ quan, đơn vị mình.
Nội dung phổ biến, tuyên truyền, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành phải cụ thể, xác định rõ đối tượng được phổ biến, tuyên truyền, thực hiện bao gồm đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, học sinh – sinh viên,…, thời gian, địa điểm, hình thức và kinh phí thực hiện.
2. Yêu cầu thực hiện
- Về nhận thức: Việc phổ biến, tuyên truyền, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị giáo dục. Thủ trưởng đơn vị phải xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện pháp luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
– Về cách tổ chức: Tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tác hại của thuốc lá phải đa dạng, thiết thực, phù hợp với đối tượng. Cần tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng và các tổ chức, đoàn thể có liên quan để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong nhà trường.
3. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá
a) Thực hiện việc giảng dạy tích hợp, lồng ghép pháp luật phòng, chống tác hại của thuốc lá ở các cơ sở giáo dục. Đối với các trường cao đẳng, TCCN trực thuộc, giáo viên triển khai lồng ghép các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành, các hình thức xử lý vi phạm pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về cấm hút thuốc tại các địa điểm công cộng trong môn học Giáo dục pháp luật và Pháp luật Đại cương; tăng cường trao đổi, thảo luận với học sinh – sinh viên về tác hại do thuốc lá gây ra.
b) Đưa nội dung PBGDPL về phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các hoạt động, sinh hoạt định kỳ tháng, quý, năm; tăng cường tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục phổ biến pháp luật phòng, chống tác hại của thuốc lá trên website của trường; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm, hội thảo, nói chuyện chuyên đề về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá,…
Các cơ quan, cơ sở giáo dục của ngành phối hợp cơ quan truyền thông của ngành Y tế Thành phố treo Bảng thông tin “Cơ quan không khói thuốc lá” nơi thuận tiện cho công chức, viên chức, người lao động, học sinh – sinh viên và người dân đến liên hệ công tác biết và thực hiện.
c) Nghiêm cấm việc mua, bán các sản phẩm thuốc lá tại cơ quan, cơ sở giáo dục. Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá phía ngoài cơ sở giáo dục (gồm nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học) trong phạm vi 100 mét tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở giáo dục đó.
d) Biểu dương, khen ngợi những tập thể, cá nhân có hành động tích cực về tuyên truyền, phổ biến, thực hiện pháp luật phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cơ quan, đơn vị.
4. Trách nhiệm triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo
Sở Giáo dục và Đào tạo xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị là nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận – huyện, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm triển khai cụ thể Kế hoạch số 7031/KH-UBND; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá công tác phổ biến, tuyên truyền, thực hiện pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cơ quan mình và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.
Trên đây là hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành tại các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị liên hệ Phòng Pháp chế của Sở Giáo dục và Đào tạo để được hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận: – Như trên; – Sở Tư pháp; – Sở Y tế; – Lưu: VT, PC.
|
GIÁM ĐỐC
(Đã ký)
Lê Hồng Sơn |